Các kỹ sư CNTT luôn gặp các bước khó khăn khi đo kiểm mạng. Bên cạnh tìm ra những phương pháp kiểm định tốt trong việc kiểm định cáp, thì việc chọn lựa ra được các loại máy đo kiểm đạt tiêu chuẩn và chất lượng cao cũng là việc cần thiết để tối ưu hoá công việc của mình.
Trong lĩnh vực đo kiểm, khó khăn đó chính là phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các bước theo đúng quy trình và tiêu chuẩn. Mặc dù họ thiết kế một hệ thống mạng hoàn chỉnh nhưng vẫn gặp nhiều thách thức khi đo kiểm và vận hành. Bài viết dưới đây sẽ phân tích những khó khăn khi đo kiểm hạ tầng mạng cáp quang và cáp đồng mà kỹ sư CNTT thường gặp phải.
Lựa chọn nguồn phát khi đo kiểm mạng sợi quang
Khi chọn cáp quang OM3 hoặc OM4 để triển khai cho hệ thống cáp cấu trúc, nguồn phát quang cần là VCSEL – nguồn phát quang có phổ ánh sáng hẹp hơn LED, phát ra ánh sáng tập trung thành một điểm rất nhỏ giúp tín hiệu truyền hiệu quả hơn. Được xem là phương thức truyền tín hiệu quang tốt nhất trên cáp quang multimode với ứng dụng Gigabit và Fiber Channel
Nguồn phát quang VCSEL hiện được sử dụng cho ứng dụng 10 Gbps. Ngoài ra, có thể dùng VCSEL cho ứng dụng 40 Gbps và 100 Gbps khi sử dụng cáp quang multimode OM3 hoặc OM4. Ở bước sóng 850 nm và 1300 nm, VCSEL đạt tần số điều chế cao đến 10 GHz, cao hơn nhiều so với nguồn phát quang LED. Với mạng cáp quang truyền dữ liệu 100 Mbps, ta cần sử dụng nguồn phát quang LED – cũng hoạt động ở bước sóng 850 nm (trung bìnhtừ 800-900 nm) và 1300 nm (trung bình từ 1250-1350 nm) nhưng ở tần số điều chế rất thấp, tối đa chỉ 600 MHz.
Phương pháp đo kiểm mạng cáp đồng
Theo tiêu chuẩn quốc tế, có hai phương pháp đo kiểm cáp đồng: Đo channel (đo toàn tuyến, bao gồm cả cáp đấu nối ở hai đầu) và đo permanent link (đo từ thanh đấu nốicáp đến ổ cắm mạng người dùng,bao gồm các khớp nối nếu có).
Thông thường, nhà thầu thường chọn phương pháp đo channel vì dễ PASS hơn so với phương pháp đo permanent link vì các lý do sau:
- Theo tiêu chuẩn TIA, đo channelđược cộng thêm 20% giá trị suy hao cho phép vì phương pháp đo này bao gồm dây nhảy ở hai đầu.
- Cáp đấu nối dùng để đo kiểm theo phương pháp permanent link có thể được dùng đo kiểm nhiều kết nối mạng khác nhau
- Đầu RJ-45 của cáp đấu nối cắm vào máy đo kiểm thì không được kiểm tra.
Chiều dài cho phép khi đo channel lên đến 100 m, bao gồm cả cáp đấu nối.Tuy nhiên, phương pháp đo channel thường không được khuyến khích vì không đánh giá chính xác chất lượng hệ thống mạng sau khi thi công, cáp đấu nối ở hai đầu kết nối thường xuyên bị thay đổi, gây khó khăn khi đi đo kiểm mạng.
Ngược lại, đo kiểm tất cả các kết nối theo phương pháp permanent link sẽ xác định chính xác từng kết nối mạng có đáp ứng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật không. Điều này rất quan trọng vì kết quả đo kiểm sẽ là tài liệu khi nghiệm thu hoặc sử dụng làm tài liệu bảo hành. Nếu không đo kiểm nghiêm ngặt hệ thống mạng khi triển khai, đơn vị thi công sẽ mất rất nhiều thời gian khắc phục sự cố sau này vì toàn bộ hệ thống cáp đều được thi côngâm tường và âm trần. Do đó, các nhà sản xuất cáp khuyến khích người dùng đo kiểm theo permenant link với những lợi ích mang lại như sau:
- Xác nhận chính xác liên kết từthanh đấu nối cáp đến ổ cắm mạngngười dùng đạt tiêu chuẩn.
- Kiểm tra thông mạch, sơ đồ đấu dây (wiremap) tại thanh đấu nối cáp vàổ cắm mạng đúng chuẩn T568A/T568B.
- Chiều dài tối đa đối với cápngang là 90 m, không tính cáp đấu nốiở hai đầu.
- Các thông số đo kiểm nghiêm ngặthơn, sẽ rất khó PASS nếu không thi công đúng tiêu chuẩn.
- Kết quả đo kiểm không bao gồmcáp đấu nối.- Đo kiểm tất cả những liên kết đãđược lắp đặt sẵn nhưng chưa cần sử dụng đến.
Máy đo kiềm
Bên cạnh việc lựa chọn đúng phương pháp để đo kiểm hệ thống cáp, ta cần lựa chọn máy đo kiểm đạt tiêu chuẩn và có chất lượng tốt. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại máy đo kiểm từ chất lượng rất tốt đến chất lượng rất kém. Vì vậy, kỹ sư nên lựa chọn loại máy đo kiểm được sản xuất và phân phối bởi những thương hiệu lớn, uy tín và được nhiều hãng sản xuất cáp trên thế giới tin dùng. Ngoài ra, để đảm bảo đo kiểm đạt hiệu quả tối ưu, máy đo kiểm cần phải đảm bảo các yếu tố sau:
- 1. Máy đo kiểm phải cập nhật firmware phiên bản mới nhất.
- 2. Máy đo kiểm phải có bộ tiêu chuẩn mới nhất của các tổ chức uy tín trên thế giới.
- 3. Cân chỉnh máy đo định kỳ theo đúng tiêu chuẩn.
- 4. Kết quả đo kiểm được lưu trữ bằng cả hai tập tin *.pdf và *.flw
- 5. Kết quả đo kiểm cáp được đặt tên theo tiêu chuẩn, đồng bộ với nhãn đánh trên dây cáp, thanh đấu nối và ổ cắm mạng.
- 6. Khi đo kiểm nên sử dụng nguồn phát quang phù hợp với loại cáp quang. Cáp quang multimode thực hiện đo ở bước sóng 850 nm và 1300 nm. Cáp quang singlemode thực hiện đo ở bước sóng 1310 nm và 1550 nm. Khi thực hiện đo kiểm hai chiều (bidirectional), cần khai báo chính xác số lượng khớp nối và mối hàn.
Kết luận
Tiến hành đo kiểm cáp quang và cáp đồng theo đúng tiêu chuẩn đo kiểm mạng cáp quang sẽ đảm bảo khả năng vận hành, tối đa hóa hiệu suất và thời gian hoạt động của hệ thống mạng. Ngoài ra, việc kiểm định nghiêm ngặt hệ thống cáp cố định sẽ hạn chế những rủi ro, khó khăn, tránh mất nhiều thời gian để khắc phục sự cố sau này.